Có ít nhân vật nào trong ba thế kỷ qua của lịch sử Hội Thánh lại gây hứng thú như nhà truyền giảng đầy nhiệt huyết George Whitefield (1714–1770). Lòng sốt sắng, năng lực và sự quyết tâm của ông trong việc rao giảng Phúc Âm đã khiến cả người đồng tình lẫn người chỉ trích phải ngưỡng mộ. Có lẽ vì di sản của ông phần lớn được khắc họa bởi tính cách bốc lửa, và cũng vì ông cuối cùng bị lu mờ bởi người bạn cùng thời theo thần học Arminius là John Wesley (1703–1791), nên thần học của Whitefield thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, cách mà Whitefield không chỉ công khai bảo vệ lập trường Cải Chánh của mình, mà còn trình bày các giáo lý về ân điển cho Wesley là một tấm gương đáng noi theo trên nhiều phương diện.
Trong các thư gửi Wesley (nhiều thư được công bố dưới dạng “thư ngỏ”), Whitefield cho thấy sự bảo vệ Phúc Âm có thể vừa mạnh mẽ, vững vàng, vừa đầy tình yêu thương. Phong trào Giám Lý—nơi bối cảnh tranh luận giữa Whitefield và Wesley diễn ra—lúc ấy không nổi bật bởi sự hiệp một trong giáo lý, nhưng bởi những xu hướng quá khích; vì thế, Whitefield thường xuyên và không do dự phải lên tiếng bảo vệ lập trường của mình. Những đám đông khổng lồ đến nghe ông giảng bao gồm cả người khao khát lẽ thật lẫn những người phản đối thông điệp và phong cách rao giảng của ông. Nhiều lần ông bị hành hung khi bước xuống khỏi tòa giảng, và có lần suýt bị đâm vào đầu. Không ít lần ông phải gào lên rao giảng Phúc Âm giữa tiếng la ó, kèn trống, và các sự quấy rối lố bịch từ đối thủ thần học của mình. Dẫu vậy, Whitefield vẫn thẳng thắn viết cho Wesley, người đang rất được quần chúng yêu mến: “Tôi tin chắc rằng anh đang sai lầm nghiêm trọng” (Thư ngày 9 tháng 11, 1740). Dù bị chia cách với người bạn thân bởi sự bất đồng sâu sắc này, ông vẫn bày tỏ sự đau buồn và tiếc nuối. Nhưng ông nhất quyết không nhân nhượng trong việc giảng dạy về sự tiền định. Với ông, đây là điều không thể thỏa hiệp (xem Thư ngày 1 tháng 2, 1741).
Sự tranh luận của Whitefield là vững chắc. Dù ông không phải là một “học giả” theo truyền thống các tiền nhân Cải Chánh, ông là một nhà giải nghĩa Kinh Thánh tận tụy. Khi bị buộc tội chỉ đơn thuần lặp lại lời dạy của John Calvin trong việc trình bày giáo lý tuyển chọn, ông đáp: “Khốn thay, tôi chưa từng đọc gì Calvin viết; những giáo lý đó tôi nhận được từ Đấng Christ và các sứ đồ của Ngài; chính Đức Chúa Trời dạy tôi điều ấy” (Thư ngày 25 tháng 8, 1740). Whitefield giảng dạy các giáo lý về ân điển vì ông thấy chúng được chép rõ ràng trong Kinh Thánh. Dù có thể ông đã nói quá khi tách mình khỏi Calvin, sự lệ thuộc vào Lời Đức Chúa Trời của nhà truyền giáo lang bạt này là điều đáng quý và đáng học hỏi. Với ông, không thể dựa trên điều gì ngoài Lời Chúa để xây dựng một giáo lý. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa ông không xem trọng các giáo sư vững vàng: ông thường bày tỏ lòng biết ơn với những người như Calvin, Luther, Beza và Edwards khi giảng dạy về sự cứu rỗi theo Kinh Thánh.
Trên hết, Whitefield là tấm gương trong việc bênh vực lẽ thật bằng tình yêu thương Cơ Đốc. Sự rõ ràng và thẳng thắn của ông không phải là bốc đồng hay giận dữ. Trình bày một lập luận theo Kinh Thánh tương đối dễ; trình bày nó một cách có tinh thần Kinh Thánh thì khó hơn nhiều. Whitefield đã làm được điều ấy, như các thư gửi Wesley chứng minh. Tình anh em của ông dành cho Wesley được thể hiện rõ ràng cả trong thư tín công khai lẫn nhật ký riêng. Ông viết: “Tôi ao ước được hát bài ca ngợi Chúa vì những gì Ngài đã làm cho linh hồn anh” (Thư ngày 25 tháng 6, 1740). Thay vì đe dọa, xúc phạm hay làm nhục người anh em trong Đấng Christ, Whitefield khuyên bảo, đối thoại, và cầu nguyện cho Wesley. Dù không phải là nhà thần học lỗi lạc, giáo sĩ danh tiếng hay nhà giải nghĩa xuất chúng, ông thường bị xem nhẹ vì những điều ông thiếu. Nhưng nơi Whitefield có nhiều điều đáng ngưỡng mộ. Nguyện chúng ta noi theo gương ông trong việc biện giáo thật sự theo Kinh Thánh, khi cũng rao giảng Phúc Âm trong tình yêu.
bởi Tyler Freire